Các địa phương, công ty lữ hành, khách sạn đều "rất phấn khích" khi được đón khách Trung Quốc quay trở lại sau Covid-19.
"Vừa đẹp" và "đúng thời điểm" là nhận định của ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng khi biết tin Trung Quốc sẽ tổ chức tour tới Việt Nam từ 15/3. Ông Dũng cho rằng Việt Nam đã có thời gian dài chuẩn bị, nhất là từ sau khi họ cho phép công dân ra nước ngoài đầu năm 2023, nên hiện là lúc thích hợp vì mọi việc đều đã sẵn sàng.
Theo ông Dũng, các doanh nghiệp trong nước "rất phấn khích". Nguồn lực trong các khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên đã đủ. Các điểm du lịch đã mở lại và vận hành hoàn toàn suốt năm qua. Năm 2019, Đà Nẵng đón 900.000 lượt khách Trung, năm nay dự kiến đón 200.000-300.000 khách. Với số lượng này, thành phố hoàn toàn "đủ sức" và "tự tin" đón khách Trung quay trở lại.
Bà Nguyễn Lệ Bình, Phó giám đốc Phòng Du lịch Việt Nam, Công ty Du lịch Hải Ngoại Quảng Tây (TP Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) cho biết ngay sau khi có thông tin được sang Việt Nam, rất nhiều khách đã gọi điện. Họ hỏi về dịch vụ làm visa, chương trình tour, với các điểm đến yêu thích vẫn là Hạ Long, Hà Nội, Nha Trang.
"Nhiều người Trung Quốc tỏ ra háo hức sang Việt Nam", bà Bình nói. Công ty bà đang gấp rút củng cố lại bộ máy nhân sự, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên tiếng Việt, chuẩn bị kết nối với các đối tác tại điểm đến, các tour tuyến để không chỉ sẵn sàng đưa khách Trung sang Việt, mà còn đón khách Việt quay lại.
Là một trong những đơn vị lữ hành đón khách Trung đến Khánh Hòa nhiều nhất trước Covid-19, bà Đỗ Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty Khang Thái Vietnam Travel, cho biết ngay trong tháng 3, công ty sẽ đón khoảng ba đoàn khách từ Trung Quốc.
Khách Trung Quốc sang Việt Nam theo chuyến bay charter hồi tháng 1. Ảnh: Ánh Dương
Quảng Ninh cũng sẵn sàng đón khách Trung Quốc từ lâu. "Chúng tôi không chờ mà luôn sẵn sàng. Chúng tôi muốn họ đến, nhận thấy dịch vụ chất lượng và thoải mái khi trở về", ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, cho hay.
Là cơ sở lưu trú đón khoảng 40% khách Trung Quốc đến Quảng Ninh trước Covid-19, đại diện khách sạn Mường Thanh khẳng định không có thị trường khách quốc tế nào lớn hơn nhóm khách này. Những năm qua, công suất phòng sụt giảm nên việc họ sẽ quay trở lại Việt Nam từ 15/3 là "cơ hội lớn".
Ông Đinh Quang Thọ, Giám đốc Mường Thanh Luxury Quảng Ninh, nói thêm khách Trung Quốc dễ phục vụ. "Họ muốn dịch vụ phải nhanh, đến là có phòng, bữa sáng đầy đặn. Không đòi hỏi cao nhưng vẫn cần duy trì tốt các tiêu chuẩn của khách sạn để đón tiếp, đặc biệt là ở các khách sạn 4-5 sao", ông Thọ nói và khẳng định Mường Thanh đã đào tạo nhân viên bài bản về dịch vụ, thói quen nên sẽ không gặp vấn đề.
Tương tự, ông Võ Quang Hoàng, Chủ tịch Hội Khách sạn Khánh Hoà, cho hay các khách sạn tại địa phương luôn trong tâm thế sẵn sàng đón khách Trung Quốc. Khánh Hoà có hơn 1.100 khách sạn, cơ sở lưu trú, khoảng 60.000 phòng, trong đó khoảng 50% từ 3 đến 5 sao. Số khách sạn ở địa phương đang hoạt động gần 80%, dù chưa mở hết nhưng vẫn đủ đón lượng khách lớn. "Nếu sự ổn định về nguồn khách kéo dài khoảng một tháng thì các đơn vị làm du lịch Khánh Hoà đều vận hành trở lại hoàn toàn", ông nói.
Nhân sự vẫn được đảm bảo phục vụ với lượng khách dự kiến đến Khánh Hoà 10-15 chuyến bay mỗi ngày, thậm chí 30 chuyến.
Tuy vậy, việc chuẩn bị đón khách Trung Quốc cũng cần một vài điều quan tâm. Đây là thị trường lớn, nhưng trong quá trình đón khách Trung Quốc từng tồn tại những bất cập tại một số địa phương. Một trong số đó là tour giá rẻ (0 đồng), lừa đảo trong mua bán hàng hóa. Những điều này ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu du lịch Việt, gây thiệt hại cho toàn ngành, theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel.
Bà Hoàng cũng cho rằng cần sớm thông báo chính sách visa rõ ràng, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, thống nhất các quy định về kiểm soát dịch song phương. Ngành hàng không cần sớm phục hồi mạng lưới các đường bay thường lệ, charter từ Trung Quốc đến các thị trường Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc. Việt Nam cũng cần quảng bá hình ảnh nhiều hơn nữa trên các kênh, mạng xã hội thịnh hành ở nước bạn hiện nay như Weibo, Tiktok, WeChat, QQ, Baidu.
Mọi thứ sau dịch đã thay đổi. Trung Quốc là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng, với 3 năm thực hiện chiến sách nghiêm ngặt "Zero Covid". Sự tàn phá của đại dịch đến người và của khiến người dân Trung Quốc thay đổi suy nghĩ về du lịch.
Khảo sát của Bloomberg cho thấy hơn 92% người Trung Quốc muốn đi du lịch nước ngoài trong tháng 5. Điều này chỉ ra rằng, nhu cầu đi du lịch của khách Trung rất lớn. Nhưng theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu Du lịch Nước ngoài ở Trung Quốc hồi tháng 1, người dân không còn mặn mà với các chuyến đi đại trà, đoàn đông và đổ xô đến các điểm nổi tiếng. Họ bắt đầu hướng tới các tour tự túc, muốn tìm hiểu kỹ hơn về văn hóa, ẩm thực. Họ cũng hướng tới các tour mang tính bền vững, thân thiện với môi trường, ưu tiên các trải nghiệm độc - lạ, kỹ năng sinh tồn.
Giám đốc Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Phát triển Điểm đến Outbox Đặng Mạnh Phước cũng chỉ ra phương án khắc phục. Ông cho rằng so với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam vẫn còn quá ít thông tin về thị trường cũng như triển khai thành công các chiến dịch quảng bá, thu hút khách Trung Quốc. Vì vậy, điều chúng ta cần làm hiện nay là đẩy mạnh quảng bá, tạo ra các sản phẩm mới hấp dẫn hơn nữa để đưa Việt Nam trở thành điểm cần phải đến với khách Trung.
Năm 2019, Việt Nam đón lượng khách quốc tế kỷ lục với hơn 18 triệu lượt, trong đó khách Trung chiếm nhiều nhất với hơn 5,8 triệu lượt. Năm 2023, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế. Nhiều chuyên gia, công ty lữ hành nhận định con số này "không khó" để đạt được, nhưng nếu thiếu khách Trung thì sẽ là "một thách thức".
Phương Anh - Tú Nguyễn - Bùi Toàn